Thiếu máu – Những vấn đề chị em nên biết sớm
21/04/2017 - 90648 lượt xem
Thiếu máu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và gặp nhiều nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ gái trong độ tuổi dậy thì. Tuy nhiên, tùy theo mức độ thiếu máu nhẹ hay nặng mà ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Vậy thiếu máu là gì? Đâu là nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách chữa và phòng bệnh hiệu quả.
Thiếu máu là gì?
Thiếu máu là tình trạng xảy ra khi mức độ huyết cầu tố lưu hành của người bệnh thấp hơn mức độ của người khỏe mạnh cùng giới, cùng tuổi và cùng sống trong một môi trường. Môi trường được xem là thiếu máu khi tỉ lệ huyết tố cầu thấp hơn 130g/l ở nam và 120g/l ở nữ bình thường.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp thiếu máu giả tạo do máu bị hòa loãng và do tăng thể tích huyết tương; trong trường hợp này mặc dù tỷ lệ huyết cầu tố, số lượng hồng cầu và dung tích hồng cầu đều giảm nhưng vẫn không được xác định tình trạng thiếu máu do khối lượng toàn bộ huyết cầu tố lưu hành trong máu vẫn ở mức giới hạn bình thường.
Phân loại bệnh thiếu máu
* Thiếu máu do chảy máu
– Chảy máu cấp:
Do xuất huyết sau chấn thương, bỏng, xuất huyết tiêu hóa,… làm mất một lượng máu ra khỏi cơ thể trong thời gian ngắn. Nếu lượng máu mất vượt quá 40% thể tích tuần hòa sẽ dẫn tới sốc mất máu. Thiếu máu do chảy máu cấp là thiếu máu đẳng sắc và đẳng bào.
– Chảy máu mạn:
Do rong kinh, rong huyết, trĩ, xuất huyết dưới da,… lâu ngày dẫn đến sụt giảm lượng Hemoglobin chức năng trong cơ thể. Đặc điểm của loại thiếu máu này gồm: thứ nhất là thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ, thứ hai là các tế bào hồng cầu đa hình dạng, các kích thước, đa màu sắc, thứ ba là có sự sụt giảm sắt huyết thanh.
* Thiếu máu do tán huyết
– Rối loạn màng hồng cầu:
Bệnh hồng cầu hình cầu: hồng cầu lúc này có hình trái banh, thể tích không đổi nhưng kích thước giảm, màng hồng cầu tăng thẩm thấu đối với Na+ nên khi thiếu ATP, hồng cầu sẽ bị kéo nước thẩm thấu, phình to và dễ vỡ. Ngoài ra, sự tác động của Ca++ đối với các protein trên màng làm màng bị nhám và dễ bị lách bắt giữ và tiêu hủy.
Bệnh hemoglobin niệu về đêm: trong lúc ngủ, hô hấp giảm xuống làm ứ đọng CO2 gây toan hô hấp. Môi trường toan hóa đã hoạt hóa màng hồng cầu làm nó trở nên nhạy cảm với bổ thể C3b. Bổ thể này được hoạt hóa theo con đường tắc và trực tiếp ly giải màng hồng cầu.
– Rối loạn gen tổng hợp:
Bệnh ∝-thalassemie: không tổng hợp được hoàn toàn hoặc một phần chuỗi globin ∝ dẫn tới hồng cầu dễ vỡ, khả năng vận chuyển oxy kém. Thường gặp thể HbH (4β), thể Hb Bart (4ɣ).
Bệnh β- thalassemie: không tổng hợp được chuỗi β-globin, dẫn tới Hội chứng Mông Cổ với trán dồ, mắt sệt, hồng cầu hình bia và tán huyết.
Bệnh hồng cầu hình liềm: acid amin thứ 6 trong chuỗi protein quy định cấu trúc của hồng cầu bị đổi từ glutamin thành valin. Hồng cầu giảm khả năng vận chuyển oxy và dễ vỡ trong môi trường thiếu oxy, dễ gây tắc mạch do ứ đọng xác hồng cầu.
Sự thiếu hụt các men tổng hợp hồng cầu như G6PD, pyruvat kinase,… làm hồng cầu thiếu ATP, dễ vỡ trong môi trường thiếu oxy.
– Các nguyên nhân bên ngoài gây thiếu máu:
Sự nhiễm trùng, nhiễm độc, tác nhân cơ học, truyền nhầm nhóm máu đều gây ra tán huyết với đặc điểm thiếu máu đăng sắc, đẳng bào, sắt huyết thanh tăng, có triệu chứng vàng da nhẹ,…
* Thiếu máu do giảm sinh hồng cầu
– Suy giảm về số lượng hồng cầu:
Giảm sản sinh hồng cầu do suy tủy, cốt hóa tủy xương, bệnh thận,… Thường giảm cùng lúc cả ba loại tế bào máu.
– Suy giảm về chất lượng:
Do giảm tổng hợp ADN dẫn tới giảm số lần phân bào, hồng cầu to và ưu sắc. Gặp trong thiếu máu ác tính do thiếu vitamin B12 hay thiếu máu giả ác tính trong thiếu acid folic.
Do giảm tổng hợp Hb làm hồng cầu phải phân chia nhiều lần hơn bình thường để đảm bảo tỷ lệ Hb trong hồng cầu, dẫn tới thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ.
Nguyên nhân gây thiếu máu?
Có nhiều nguyên nhân gây nên thiếu máu, trong đó phải kể đến 4 nguyên nhân chính sau đây thường hay gặp nhất hiện hiện nay:
Thiếu máu do chế độ dinh dưỡng thiếu sắt:
Trong khẩu phần ăn hầu hết những người Việt, lượng sắt trong thực phẩm thường không được chú trọng. Thay vào đó, mọi người chỉ chú trọng cung cấp tinh bột và chất xơ từ cơm, rau, củ, các loại thịt cá. Chính thực đơn sai lệch này khiến cho lượng sắt cung cấp cho cơ thể không đủ.
Thiếu máu do nhiễm giun:
Tỷ lệ nhiễm giun móc cao do môi trường, điều kiện sống kém vệ sinh cũng đang là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ thiếu máu. Ấu trùng giun móc khi vào cơ thể người sẽ hút hết các chất dinh dưỡng, làm tổn thương màng ruột gây thiếu máu kéo dài dẫn đến thiếu máu nhược sắc. Khi hút máu, giun còn tiết ra chất chống đông máu làm máu chảy nhiều dẫn đến thiếu máu nặng.
Thiếu máu do chu kỳ kinh nguyệt không đều:
Đối với phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt là không thể thiếu. Hàng tháng, cơ thể sẽ phải mất từ 40 – 60ml máu trong cơ thể. Tương ứng với lượng máu này là 2 – 4mg chất sắt. Đây chỉ là thông kê đối với người bình thường, có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.
Đối với các bạn nữ có triệu chứng rong kinh, rong kinh – rong huyết trong vào năm đầu của chu kỳ kinh nguyệt (ngày có kinh kéo dài, lượng máu ra nhiều), khi đó lượng sắt bị mất đi còn nhiều hơn.
Thiếu máu do thiếu Vitamin C và Vitamin B1:
Vitamin C và Vitamin B1 có tác dụng quan trọng trong việc tăng cường hấp thu chất sắt. Ngoài ra, Vitamin C còn có hỗ trợ rất tốt trong việc tái tạo tế bào hồng cầu trong cơ thể. Nếu cơ thể không được cung cấp đầy đủ hai loại Vitamin này thì tình trạng thiếu máu chắc chắn sẽ xảy ra.
Dấu hiệu nhận biết cơ thể đang thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để mang oxy đi khắp cơ thể. Do đó, nhận biết sớm tình trạng thiếu máu sẽ giúp bạn kịp thời bổ sung máu để vận chuyển trong cơ thể.
Da tái nhợt, xanh xao:
Nếu cơ thể thiếu sắt hoặc vitamin B12 thì máu sẽ không thể vận chuyển đủ trong cơ thể, từ đó là nguyên nhân khiến làn da nhợt nhạt, xanh xao, xỉn màu, … Thậm chí, bạn có thể phát hiện ra cơ thể có thiếu máu hay không nếu có bọng mắt.
Đau tức ngực:
Khi nằm xuống mà cảm thấy tiếng trống đập thình thịch từ tim thì đồng nghĩa là trái tim của bạn đang phải làm việc nhiều hơn để co bóp thêm oxy. Do đó nếu gặp vấn đề về tim mạch hay thường xuyên cảm thấy đau tức ngực thì nên chủ động đi khám ngay để biết mình có đang thiếu máu trong cơ thể không.
Khó thở, chóng mặt:
Khi cơ thể không có đủ sắt hoặc vitamin B12 thì nó sẽ không sản xuất ra đủ lượng hemoglobin (huyết sắc tố). Hemoglobin chính là một nguồn sắt dồi dào giúp máu có màu đỏ chuẩn và cho phép oxy liên kết với các tế bào để đưa máu vận chuyển đi khắp cơ thể. Do đó, nếu cơ thể không có đủ máu thì bạn sẽ gặp phải tình trạng hoa mắt, chóng mặt, khó thở, đầu óc quay cuồng.
Hay nhức đầu, thiếu tỉnh táo:
Bỗng nhiên bạn cảm thấy khó tập trung hoặc không thể ghi nhớ một chuyện gì, dù chỉ vừa mới xảy ra thì nhiều khả năng không phải do vấn đề tuổi tác mà là dấu hiệu nhận biết tình trạng thiếu sắt trong cơ thể. Bên cạnh đó, những cơn đau đầu, mệt mỏi thường xuyên cũng có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu máu đang diễn ra trong cơ thể bạn.
Rụng tóc:
Tóc của bạn dần mỏng đi, dễ gãy rụng cơ thể ngầm phản ánh sự thiếu hụt vitamin hay các hormone quan trọng trong cơ thể. Vậy nên, hãy chú ý nếu thấy vương trên lược nhiều hoặc rụng thành từng búi to thì nên chủ động đi khám càng sớm càng tốt.
Thèm ăn linh tinh: Những người thiếu máu cũng thường xuyên gặp phải tình trạng thèm ăn những thứ linh tinh như đá lạnh, đất sét, bút chì… Cho đến hiện tại, vẫn chưa có chuyên gia nào lý giải được nguyên nhân gây ra dấu hiệu này. Thế nhưng, nó chỉ là một triệu chứng thông thường phản ánh tình trạng thiếu sắt và cần bổ sung thêm vào cơ thể.
Tê, ngứa ra bàn tay và bàn chân:
Do máu không đủ để nuôi dưỡng các bộ phận trong cơ thể nên dẫn đến tình trạng tê, ngứa ran bàn tay hoặc bàn chân. Vậy nên, bạn cần chú ý tới dấu hiệu này để đi khám sớm, từ đó biết rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình và điều trị kịp thời.
Hậu quả thiếu sắt kéo dài
Bệnh về tim mạch: Thiếu máu khiến tim không được cung cấp đầy đủ oxy dẫn đến tim đập nhanh, gây đau thắt ở tim. Tim đập nhanh hơn, có cảm giác hoa mắt chóng mặt. Nguy cơ của thiếu máu kéo dài sẽ đưa đến suy tim và suy nội tạng khác, có thể dẫn đến tử vong.
Nguy hiểm thai sản: Đối với phụ nữ có thai nếu bị thiếu máu sẽ rất nguy hiểm. Thiếu máu gây thiếu chất dinh dưỡng cho cả mẹ và con, nguy cơ đẻ non cao, suy dinh dưỡng bào thai, có thể gây băng huyết, tỉ lệ tử vong cao ở cả mẹ và con.
Ảnh hưởng trí tuệ: Thiếu máu gây mất khả năng tập trung, mau quên, năng suất lao động giảm sút do khả năng tư duy và nhận thức của não bộ đều bị giảm. Thiếu máu là thiếu vitamin B12 có thể gây tổn hại đến thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng tâm thần.
Tử vong: Thiếu máu nghiêm trọng có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Mất quá nhiều máu nhanh chóng trong bệnh thiếu máu cấp tính trầm trọng có thể gây tử vong.
Giải pháp điều trị và phòng bệnh thiếu máu
Việc điều trị thiếu máu cần giải quyết nguyên nhân gây nên tình trạng bệnh. Nguyên nhân do thiếu sắt thì chủ yếu cần bổ sung chất sắt trong dược phẩm kết hợp với chế độ ăn giàu chất sắt. Nếu thiếu máu do bệnh mãn tính thì đa số không cần điều trị gì, chỉ cần một số ít hồng cầu truyền để chữa triệu chứng.
Thuốc sắt để điều trị bệnh: Đối với phụ nữ cần bổ sung 15mg chất sắt mỗi ngày và nam giới chỉ cần 10mg mỗi ngày. Đối với thai phụ cần bổ sung nhiều hơn so với bình thường để đáp ứng nhu cầu của cơ thể người mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Những chế phẩm chứa sắt có nhiều loại: Sắt sunfat, sắt oxalat, sắt gluconat … nên uống khi no để tránh kích thích dạ dày. Phòng bệnh và điều trị thiếu máu do thiếu sắt bằng cách ăn nhiều thức ăn giàu chất sắt như: gan, tim, trứng, giá đậu, hoa quả, bông cải xanh…
Việc phòng bệnh thiếu máu phần lớn là thực hiện chế độ ăn có đầy đủ chất sắt, Vitamin B12, Acid folic, Vitamin E, Kẽm, Dầu mè đen…. Phòng và chữa tích cực các bệnh gây tình trạng thiếu hụt máu như: thận, bệnh gan, nhiễm khuẩn, giun móc, dùng thuốc điều hòa kinh nguyệt để hạn chế mất máu do hành kinh ở phụ nữ.
Bác sĩ tư vấn miễn phí vấn đề thiếu máu ở phụ nữ, vui lòng liên hệ: 1900.1259 hoặc gửi về hòm thư: Khoedep@bacsituvan.vn. Cảm ơn bạn đã quan tâm!
Tags: Bệnh thiếu máu, Điều trị thiếu máu
Bài viết cùng chuyên mục
- Uống sắt vào thời điểm nào trong ngày để tốt cho cả mẹ lẫn con
- Vì sao nên uống sắt với nước cam?
- Cách khắc phục hiện tượng uống sắt đi ngoài màu đen
- Tổng hợp những thông tin hữu ích nhất về bệnh thiếu sắt
- Hướng dẫn cách bổ sung sắt hiệu quả cho tất cả mọi người
- Thực phẩm chức năng và thuốc sắt cho bà bầu loại nào tốt?
- Thuốc sắt dạng nước cho bà bầu tốt nhất hiện nay
- Mẹ có nên bổ sung sắt sau sinh không?
- Bà bầu cần bao nhiêu sắt mỗi ngày để thai nhi phát triển tốt nhất?
- Bà bầu uống sắt đến tháng thứ mấy?
- Có nên uống acid folic trước khi mang thai không?